Có những khoảnh khắc tưởng chừng lặng lẽ trôi qua giữa ngày thường, nhưng bất chợt lại chạm vào vùng cảm xúc sâu thẳm bên trong ta. Và rồi, tôi chợt muốn hỏi rằng:
“Bạn có bao giờ ngồi giữa một buổi học bình thường, mà bỗng trái tim khẽ chùng xuống bởi một điều gì chưa? Với tôi, đó là ngày 30 tháng 4 – ngày Đất nước thở phào sau bao năm dài chia cắt.”
Câu chuyện bắt đầu vào tiết học thứ hai đầu tuần, trong không khí nhẹ nhàng của môn Nghiên cứu thị trường, Thầy tôi bất chợt nhắc đến một sự kiện sắp tới – lễ diễu binh ngày 30/04/2025- kỷ niệm 50 năm Ngày Thống nhất Đất nước. Chỉ là một lời nói thoảng qua, một câu chuyện nhỏ được thêm vào bài giảng… Nhưng chẳng hiểu sao, trái tim tôi chợt lặng đi và dâng lên những suy tư không thể dừng lại. Đó cũng chính là lúc tôi quyết định viết lên những điều tưởng như vụn vặt, nhưng lại là tiếng vọng từ trái tim của một người trẻ đang học cách hiểu và yêu Tổ quốc mình. Có lẽ là vì tháng Tư đang về. Có lẽ là vì tôi đã bắt đầu hiểu rằng, có những ngày không thể chỉ đi qua như những con số trên tờ lịch. Ngày 30/4 là một trong những ngày như thế.
Đâu ai biết rằng, khi thầy tôi vô tình nhắc đến “30/4/2025”, khoảnh khắc ấy, tôi không còn ngồi giữa lớp học nữa, đôi mắt khẽ khép lại, tôi cảm thấy thời gian như ngừng trôi. Và rồi, thật lặng lẽ, những hình ảnh của quá khứ xa xăm chợt ùa về – không ồn ào nhưng đầy vẻ thiêng liêng nhất. Hình ảnh tôi hình dung ra đầu tiên chính là những người lính bước đi dứt khoát giữa quảng trường đầy cờ hoa. Rồi như một thước phim không lời, hiện lên trong tâm trí tôi là bản tin chiến thắng đầu tiên vang lên trên sóng phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam – giọng nói của NSƯT Kim Cúc, khi ấy không chỉ thông báo một sự kiện, mà dường như đã đánh thức cả một dân tộc nhờ chất giọng trầm ấm, đầy xúc động của cô mà nó trở thành âm thanh lịch sử khi nhắc đến ngày lễ 30/4.
Nghệ sĩ Ưu tú Kim Cúc đọc bản tin ngày 30/4/1975, nguồn Báo Nhân Dân
Giữa những tưởng tượng mơ hồ trong đầu, tôi cảm nhận được hơn bao giờ hết là dáng đứng của lịch sử – không phải qua những trang sách, mà qua ánh nhìn thăng trầm của những con người từng bước qua khói lửa, bom đạn của chiến tranh. “Wow!” – tiếng nói bật ra khi tôi giật mình thoát khỏi dòng suy tưởng miên man của chính mình. Cả lớp khựng lại trong giây lát, và tôi chợt nhận ra những ánh mắt đang hướng về phía mình – ngạc nhiên, rồi bật cười. Nhưng riêng tôi, tôi biết mình vừa đi qua một vùng ký ức không tên. Và chắc rằng, tôi sẽ nhớ mãi ánh mắt tự hào của những con người từng sống trong chiến tranh. Không ồn ào, không nước mắt, chỉ là sự lặng lẽ đầy kiêu hãnh khi họ nhìn đất nước hôm nay: hòa bình, vững chãi, và uy nghiêm như một lời đáp đền. Và đó là lời suy tư thầm lặng của tôi trong suốt buổi học ngày hôm ấy.
Tối đến, khi mọi âm thanh dần lắng xuống, tôi ngồi một mình trước bàn học quen thuộc hằng ngày với ánh đèn vàng hắt lên xung quanh, còn trong tôi là những ký ức của buổi sáng vẫn âm ỉ cháy lên như một tia lửa nhỏ. Tôi tự hỏi lòng mình, trong cái lặng thinh của đêm:
“Liệu mình có thật sự hiểu hết ý nghĩa của ngày 30/4 không?”
“Bản thân mình có biết ngày ấy quan trọng đến nhường nào – với chính ta, với gia đình, và với cả Tổ quốc không?”
Tôi đã lặng im trong vài giây… rồi nhận ra rằng: “có lẽ mình đã lỡ quên mất điều thật sự ý nghĩa”. Giữa bộn bề bài vở, những kế hoạch đang chờ được hoàn thành và cả những điều rất nhỏ bé của tuổi trẻ, tôi đã xém chút nữa… quên mất lời biết ơn sâu sắc nhất mà mình đáng ra phải gửi đến những người đã ngã xuống để hôm nay tôi được ngồi đây, bình yên viết những dòng này. Sâu thẳm trong tim, tôi muốn thì thầm một lời gửi gắm:
“Gửi đến ngày 30 tháng 4 – và gửi đến những người không còn ở bên chúng ta.
Gửi những người mẹ đã tiễn con ra trận mà chẳng một lần nhận lại cái ôm cuối cùng nào,
Gửi những người cha chưa từng nghe con gọi một tiếng ‘ba’,
Gửi những gia đình mãi mãi thiếu vắng tiếng cười thân thuộc của người mình thương yêu nhất…”.
Liệu chúng ta có tự hỏi: “Nếu một ngày gia đình chúng ta rơi vào hoàn cảnh ấy, nếu người thân của chúng ta phải ra đi không hẹn ngày trở lại – liệu bạn có đủ can đảm để bước tiếp, để sống tiếp như những người đi qua chiến tranh đã từng?”. Chỉ nghĩ đến thôi cũng thấy tim mình thắt lại, nước mắt đã chực trào nơi khóe mắt phải không các bạn?
Bài hát Lá Xanh của nhạc sĩ Hoàng Việt, thể hiện hình ảnh người lính trẻ trên đường ra trận được
ví như những chiếc lá xanh trên cành không ngại gió mưa và sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc
Khi tôi viết đến đây, từng con chữ như được viết ra bởi chính những rung động sâu thẳm trong lòng. Và tôi, người vẫn nghĩ mình mạnh mẽ, kiên cường trước mọi thứ, lại lặng lẽ rơi lệ. Không phải vì nỗi buồn, mà vì lòng biết ơn quá lớn vì sự hy sinh quá thầm lặng. Và vì tôi biết, sự bình yên mà tôi đang sống hôm nay… được đánh đổi bằng máu, bằng nước mắt, bằng cả những nỗi đau không thể gọi tên của biết bao người đi trước.
Và không thể thiếu là lời gửi đến Tổ quốc – một Việt Nam kiêu hãnh, từng đi qua bao đau thương, mất mát. Tôi muốn gửi đến đất nước lời cảm ơn chân thành và lặng thầm nhất – từ tận đáy lòng của những người trẻ hôm nay, những người đang bước tiếp trên con đường mà thế hệ cha ông đã dày công mở lối.
Ngày 30/4 – ngày của lịch sử, ngày của những trái tim không quên. Tôi và các bạn đã hẹn nhau tham gia buổi diễu binh tại Dinh Độc Lập thành phố Hồ Chí Minh, nơi từng là dấu son không thể phai của dấu ấn lịch sử năm xưa. Chúng tôi háo hức, mong chờ không chỉ vì được chứng kiến một sự kiện trang nghiêm và long trọng, mà vì đó là dịp để trái tim mình lại một lần nữa đập cùng nhịp với dòng máu Lạc Việt trong mỗi người dân trên mãnh đất hình chữ S này. Trong ngày hôm ấy, dưới lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới, chúng tôi muốn được nói lời cảm ơn:
“Cảm ơn các vị anh hùng đã đi qua chiến tranh, để hôm nay chúng tôi được bước đi giữa hòa bình.
Cảm ơn những người hùng không thể đứng trong hàng ngũ diễu binh, nhưng trái tim họ vẫn đồng hành cùng chúng tôi trong từng nhịp bước về phía Tổ quốc”.
Trong tôi, niềm tự hào trỗi dậy một cách mạnh mẽ , lặng thầm nhưng thiêng liêng. Nó không ồn ào, không rực rỡ… mà là một niềm tự hào sâu sắc. Và dành cho các bạn – những người sẽ và đang đọc vài dòng tâm sự giản dị này:
“Chúng ta sinh ra trong hòa bình, lớn lên giữa những ngày yên ả.
Chúng ta không nghe tiếng bom, không chứng kiến cảnh tiễn người ra trận…
Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta được phép quên.
Đừng quên những nấm mồ vô danh.
Đừng quên những lá thư chưa kịp gửi”.
Bài hát “Viết tiếp câu chuyện Hoà bình” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc với những người đã hy sinh vì độc lập dân tộc, đồng thời khơi dậy tinh thần đoàn kết và khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh của thế hệ trẻ
Tôi mong rằng, khi nghĩ đến 30/4, chúng ta sẽ không chỉ dừng lại ở lời tri ân. Mà hãy để ngày ấy trở thành lời nhắc nhở âm thầm, để ta sống tử tế hơn, yêu thương nhiều hơn, và góp một phần nhỏ bé vào hành trình làm cho đất nước mình ngày càng tươi đẹp. Hi vọng trong mỗi người chúng ta sẽ sống:
“Phải hiểu – để biết ơn.
Phải nhớ – để gìn giữ.
Và phải sống – để xứng đáng”.
Dù sao đi chăng nữa, cũng nhờ lời nhắc nhẹ của thầy tôi, mà tôi có dịp được lắng lại và trải lòng.
Cảm ơn Thầy – vì một câu nói tưởng chừng đơn giản, lại đánh thức cả một miền ký ức thiêng liêng.
Cảm ơn Đất nước – vì một ngày diễu binh sắp đến, gợi nhắc về những hy sinh và khát vọng.
Và cảm ơn chính mình – vì đã để trái tim rung lên vì những điều thật đáng trân quý.
Cuối cùng, cảm ơn các bạn – những người đã lắng lòng cùng tôi qua những dòng tâm sự này. Hy vọng rằng, khi gấp lại những câu chữ này, mỗi người trong chúng ta sẽ có thêm một chút động lực, một chút suy tư để dành tặng cho ngày 30/4 sắp tới một hành động nhỏ nhưng chân thành: một nén hương, một lời tri ân, một khoảnh khắc nhớ về quá khứ. Đó là dấu mốc “nửa thế kỷ” – 50 năm Ngày Thống nhất Đất nước. Một dấu mốc không chỉ tròn trịa về thời gian, mà còn đầy thiêng liêng trong chiều sâu lịch sử dân tộc Việt Nam.
Bút rồi cũng cạn mực, tay cũng đã mỏi… có lẽ đã đến lúc tôi khép lại những dòng tâm sự này. Nhưng mong rằng, dù trang giấy dừng lại, thì những cảm xúc vẫn còn ở lại trong lòng một chút lặng lẽ thôi, nhưng đủ để ta biết trân trọng hôm nay!
Người viết: Ngô Lý Trúc Quỳnh
Người thiết kế: Võ Thị Ngọc Hân