Hãy thử nhìn vào cuộc sống của mình, bạn sẽ thấy luôn có một cách tư duy, suy nghĩ lặp đi lặp lại. Liệu điều đó có nói lên điều gì về bạn không?
Hãy quan sát cuộc sống của bạn, bạn sẽ thấy rằng nó luôn tồn tại một cách tư duy lặp đi lặp lại. Nếu bạn là một người “Multitasking”, người đa nhiệm – thích làm hai việc trở lên cũng một lúc thì có khả năng là khi bạn đang rửa rau, bạn sẽ muốn bật thêm lò lửa để chiên thịt. Khi bạn đang học bài, đang cố gắng tập trung, thì lại có vài ba suy nghĩ khác chen vào như Facebook vừa mới thông báo gì vậy ta hay ngày mai mình sẽ ăn món gì… Nếu tưởng tượng, bạn như một cái máy tính thì máy tính này lúc nào cũng có hai hoặc ba tab trở lên chạy song song. Điều này có thể rất dễ khiến bạn kiệt sức và khó hoàn thành tốt các nhiệm vụ cùng một lúc.
Thật ra, nhận biết này đã giúp nhìn nhận lại cuộc sống bản thân.
Hôm trước mình nhận được điểm của một bài tập và bị trừ 0.5 điểm. Khi nhìn vào phần nhận xét, mình bất ngờ là điểm trừ 0.5 này không nằm ở nội dung bài làm mà là ở điểm trình bày. Mình tự hỏi, sao mình lại bị trừ điểm này nhỉ vì mình thấy, mình đã căn chỉnh đoạn, chỉnh size chữ, tô đậm, in nghiêng các từ khóa, các luận điểm rất rõ ràng mà. Nhưng khi gặp thầy để hỏi rõ hơn thì thật sự cách trình bày đó không hề ổn cho một bài viết mang tính học thuật.
Điểm số có là điều mình quan tâm không? Có. Nhưng một điều quan trọng hơn mình nhận ra, đó là cách suy nghĩ của bản thân. Áp dụng quan điểm “Cách bạn làm một việc, cũng chính là cách bạn làm mọi việc” thì mình nhận thấy rằng bản thân đang có tư duy sau: luôn muốn “kiểm soát” mọi thứ. Thậm chí như trong bài viết trên, mình “kiểm soát” đến quên mất việc quan tâm đến trải nghiệm người đọc, khi mà bài viết bị định dạng quá nhiều, họ có thể cảm thấy bị dẫn dắt.
Nhìn xung quanh, mình cũng thấy đôi khi bản thân khá cẩn thận đến mức hơi nghiêm khắc. Vì thế mà đôi khi mình cũng mệt, cũng rất áp lực. Nhưng cuối cùng thì, mọi thứ xảy ra đều là là lý do để ta tốt hơn mỗi ngày mà phải không?
Bạn không học để hiểu mọi thứ,
Bạn học để hiểu chính mình.
Tác giả: Võ Thị Ngọc Hân