Có bao giờ, bạn nhận thấy mình bắt tay vào giải quyết khi vấn đề xảy ra nhưng rồi vấn đề dường như vẫn cứ còn đó mà không dứt điểm được?
Nếu chuyện này xảy ra với bạn, có lẽ vấn đề mà bạn đang phải đối mặt chưa được giải quyết tận gốc rễ. Thường thì chúng ta sẽ có xu hướng phản ứng ngay lập tức, suy đoán nguyên nhân rồi tập trung ngay vào giải pháp.
Chúng tôi giới thiệu đến bạn lý thuyết quản trị tên Kaizen của người Nhật, một công cụ tuyệt vời để tìm thấy và giải quyết gốc rễ của vấn đề. Kaizen có nghĩa là “thay đổi để tốt hơn” hoặc “cải tiến liên tục”; trong tiếng Anh là “ongoing improvement” hoặc “continuous improvement”.
Chúng ta có thể tham khảo những hướng dẫn và áp dụng bằng cách đặt câu hỏi dựa trên lý thuyết này. Điều này sẽ giúp bạn dần phát triển khả năng tự đặt câu hỏi cho bản thân, tìm thấy gốc rễ vấn đề, thấu hiểu và qua đó giải quyết tận gốc vấn đề. Đồng thời, tránh được xu hướng tự chỉ trích bản thân khi chúng ta gặp khó khăn khi gặp các vấn đề lặp đi lặp lại.
Điều quan trọng nhất là bạn nên làm điều này trong sự lắng nghe, thấu hiểu, cảm thông, kiên nhẫn, chấp nhận lỗi lầm/sai sót của mình và khuyến khích bản thân thay đổi.
5 LẦN CÂU HỎI TẠI SAO
Hãy xem ví dụ sau:
Tại sao 1:
Tại sao tôi lại đi học trễ? (Lắng nghe)
Vì tôi không dậy sớm được.
Tại sao 2:
Tại sao tôi không dậy sớm được? (Thấu hiểu)
Vì tôi thức khuya quá.
Tại sao 3:
Tại sao tôi thức khuya quá? (Chấp nhận lỗi lầm của mình)
Vì tôi có nhiều bài tập chưa xong.
Tại sao 4:
Tại sao tôi có nhiều bài tập chưa xong? (Kiên nhẫn)
Vì tôi quên có bài tập nên phải dồn vào hạn chót.
Tại sao 5:
Tại sao tôi bị quên? (Cảm thông)
Vì tôi không ghi chú vào sổ tay về những việc cần làm trong ngày.
Cuối cùng, điều bạn cần là sự khích lệ, cho phép bản thân giải quyết vấn đề:
“Tôi đã rất dũng cảm khi thừa nhận điều này. Khi tôi không ghi chú về việc mình cần làm trong ngày, tôi sẽ gặp những khó khăn sau đó. Từ bây giờ tôi nên ghi chú vào sổ tay. Và tôi cần cẩn thận hơn”. (Cẩn thận chính là phẩm chất cần phát triển).
Nếu bạn dừng lại ở câu hỏi số 3, cách giải quyết của bạn sẽ là phải làm bài tập cho xong sớm để đi ngủ. Thế nhưng cách đó sẽ không giải quyết dứt điểm gốc rễ của vấn đề bạn đang gặp phải. Vậy nên, bạn cần kiên nhẫn để lắng nghe gốc rễ thật sự của vấn đề, để có thể giúp bản thân điều chỉnh hành vi.
Từ câu hỏi tại sao 1 đến câu hỏi tại sao 5, kết quả cho ra cách giải quyết của trẻ hoàn toàn khác nhau. Chỉ khi, bạn đi đến gốc rễ của sự việc, vấn đề đó mới được xử lý thật sự.
Khi bạn đã quen sử dụng cách áp dụng “5 lần tại sao” này, bạn có thể tự tìm ra vấn đề nhanh hơn chỉ sau 4 hay 3 lần hỏi “Tại sao”.
Ứng dụng 5 WHYs này hoàn toàn hiệu quả với tuổi teen, tuổi học đường. Ứng dụng cách tiếp cận đặt câu hỏi này vào sinh hoạt hàng ngày, giúp xây dựng cho mình thành tự phản xạ. Bạn dễ dàng tìm ra được câu trả lời để giải quyết vấn đề mà không phải chạy đến hỏi ai từng chút nữa.
Không có gì là quá sớm hay quá muộn, chỉ cần kiên nhẫn với bản thân, bạn sẽ hình thành dần kỹ năng phân tích và giải quyết vấn đề thật thấu đáo, tìm ra gốc rễ của mọi vấn đề. Và quan trọng hơn là, bạn đã phát triển được phẩm chất tuyệt vời.
Hải Đăng